Vĩ mô Việt Nam: Đứng vững giữa giông bão

Nguồn: VCSC

Đứng vững giữa giông bão

 

 

Tăng trưởng GDP quý 2/2022 đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,72% trong quý 2/2022 - mức tăng trưởng GDP trong quý 2 cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 - nâng tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 6,42% - mức cao nhất trong 3 năm qua (6T 2021 tăng 5,74% & 6T 2020 tăng 2,04%).

Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 ở mức 7,2%. Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế tiếp sẽ phục hồi mạnh trong nửa cuối năm 2022 từ mức nền thấp của nửa cuối năm 2021. Mặc dù đà phục hồi trong nước đang vượt kỳ vọng của chúng tôi, các rủi ro trên toàn cầu đã gia tăng, dẫn đến triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi. Dự báo chung của Bloomberg cho tăng trưởng GDP toàn cầu đã được điều chỉnh giảm còn 3,2% cho cả năm 2022 và 2023 so với mức dự báo 4,0% và 3,5% đưa ra cuối quý 1/2022. Dự báo tăng trưởng của một số đối tác thương mại chính của Việt Nam trong năm 2022 cũng được điều chỉnh giảm, bao gồm Mỹ (2,5%, -90 điểm cơ bản), Trung Quốc (4,1%, -90 điểm cơ bản) và EU (2,9%, -50 điểm cơ bản).

Những yếu tố có thể khiến tăng trưởng vượt dự báo của chúng tôi bao gồm:

  • Tốc độ phục hồi nhanh hơn dự kiến của khu vực dịch vụ.
  • Rủi ro địa chính trị và lạm phát toàn cầu giảm dần, hỗ trợ triển vọng toàn cầu cũng như triển vọng của Việt Nam.
  • Chính sách hỗ trợ từ Chính phủ được triển khai nhanh hơn.

Rủi ro đối với dự báo của chúng tôi:

  • Rủi ro trên toàn cầu gia tăng (chính sách tiền tệ toàn cầu thắt chặt hơn kỳ vọng, xung đột địa chính trị gia tăng và chính sách không-COVID kéo dài của Trung Quốc) có thể tiếp tục tác động đến tăng trưởng kinh tế thế giới, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam.
  • Giá dầu thô và giá hàng hóa cơ bản khác trên toàn cầu tăng cao hơn kỳ vọng và có thể làm tăng thêm chi phí sản xuất và lạm phát, qua đó ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và triển vọng kinh tế.
  • Giải ngân gói hỗ trợ của Chính phủ chậm hơn dự kiến.

Một số kết quả kinh tế khác đáng chú ý trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022:

Số người có việc làm đã phục hồi trở lại mức trước dịch COVID-19. Số lao động có việc làm đã tăng them 1,0 triệu trong quý 1 và gần 0,5 triệu trong quý 2. Số lao động có việc làm hiện đã quay trở lại mức trước dịch COVID-19 với hơn 50,4 triệu (so với 50,3 triệu trong quý 2/2019). Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống 2,1% mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.

Ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục mở rộng trong 9 tháng liên tiếp. Theo S&P Global, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đạt 54,0 điểm trong tháng 6. Số liệu này cho thấy điều kiện kinh doanh lĩnh vực sản xuất tiếp tục cải thiện dù thấp hơn so với tháng 5 (54,7 điểm - mức cao nhất trong 13 tháng). Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng và năng lực sản xuất được cải thiện cho thấy triển vọng ngành sản xuất của Việt Nam vẫn duy trì ổn định trong những tháng tới. Tuy nhiên, rủi ro về tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu, chi phí sản xuất gia tăng và nhu cầu toàn cầu suy yếu có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu và ngành sản xuất của Việt Nam vào cuối năm.

Doanh thu bán lẻ phục hồi mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 11,7% YoY (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,9% YoY, cùng kỳ tăng 1,9% YoY). Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tổng mức bán lẻ sẽ tăng tốc trong những quý tới nhờ thị trường lao động được cải thiện và việc nối lại toàn bộ các chuyến bay quốc tế.

Thu ngân sách tăng cao trong nửa đầu năm. Theo số liệu của TCTK, tổng thu và chi ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2022 lần lượt đạt 932,9 nghìn tỷ đồng (+18,8% YoY) và 713,0 nghìn tỷ đồng (+4,5% YoY), hoàn thành 66,1% và 40,0% kế hoạch cả năm. Theo đó, thặng dư ngân sách đạt 219 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022 (cao hơn mức 103,0 nghìn tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2021).

Vốn FDI giải ngân đạt mức cao kỷ lục. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), vốn FDI giải ngân trong tháng 6 đạt 2,3 tỷ USD – mức giải ngân theo tháng cao nhất từ đầu năm đến nay - đưa tổng vốn FDI giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt mức cao kỷ lục 10,1 tỷ USD (+8,6% YoY). Kết quả FDI 6 tháng đầu năm 2022 phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi về việc giải ngân vốn FDI sẽ duy trì ổn định trong năm 2022. Trong khi đó, vốn FDI đăng ký phục hồi đạt 2,3 tỷ USD trong tháng 6 (từ 0,9 tỷ USD trong tháng 5), nâng tổng vốn FDI đăng ký lên 14 tỷ USD (-8,1% YoY). Chúng tôi cho rằng việc mở cửa trở lại toàn bộ các hoạt động kinh tế sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư và nghiên cứu khả thi cho các dự án mới trong những tháng tới.

Việt Nam xuất siêu hơn 700 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2022. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt đạt 186,0 tỷ USD (+17,3% YoY) và 185,3 tỷ USD (+15,5% YoY), dẫn đến xuất siêu 743 triệu USD (cùng kỳ 2021 nhập siêu 1,9 tỷ USD). Mặc dù tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm cao hơn dự báo tốc độ cả năm hiện tại của chúng tôi là 15,0% và 14,5%, những bất ổn ngày càng gia tăng trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến nhu cầu và triển vọng kinh tế toàn cầu. Do đó, chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng xuất nhập trong năm 2022 không đổi. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ duy trì tích cực trong quý 3 do mức cơ sở thấp trong năm trước; tuy nhiên, tăng trưởng có thể giảm tốc trong quý 4/2022.

Giá dầu thô tiếp tục tăng ảnh hưởng đến lạm phát. CPI tháng 6 tăng 0,69% so với tháng trước (MoM) và 3,37% YoY, chủ yếu do giá xăng dầu tăng. CPI bình quân năm 2022 tăng 2,44% YoY - mức tăng CPI thấp thứ hai trong cùng kỳ kể từ năm 2017 (chỉ cao hơn mức tăng 1,47% của 6 tháng đầu năm 2021). Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các sản phẩm xăng dầu sẽ giúp giảm bớt áp lực đối với lạm phát và giảm tác động lên chi tiêu của người tiêu dùng. Chúng tôi hiện dự báo CPI bình quân đạt 3,5% trong năm 2022, với kỳ vọng áp lực lạm phát gia tăng vào cuối năm, với CPI bình quân khoảng 4,5% trong 6 tháng cuối năm 2022.

Fed tăng lãi suất gây áp lực lên tỷ giá USD/VND trong 6 tháng đầu năm 2022. Tính đến cuối tháng 6, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức 23.282 đồng, tương ứng tăng 0,4% trong tháng 6 và 2,1% so với cuối năm 2021. Do rủi ro địa chính trị toàn cầu gia tăng và việc Fed tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến, chúng tôi điều chỉnh dự báo tỷ giá USD/VND cho năm 2022 tăng từ 1% lên 2,5%. Chúng tôi kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ cải thiện sẽ hỗ trợ tỷ giá trong phần còn lại của năm.