Vĩ mô Việt Nam: Số ca nhiễm COVID-19 giảm mạnh giúp hỗ trợ phục hồi kinh tế

Nguồn: VCSC

Số ca nhiễm COVID-19 giảm mạnh giúp hỗ trợ phục hồi kinh tế

 

 

Số ca nhiễm COVID-19 mới giảm mạnh mặc dù tất cả các hoạt động đã trở lại bình thường. Tất cả các hoạt động xã hội, kinh tế, hay giải trí trên cả nước đã quay trở lại hoạt động và Việt Nam cũng trải qua một kỳ nghỉ lễ trong tháng 4 (Giỗ Tổ Hùng Vương), số ca nhiễm COVID-19 mới vẫn giảm mạnh xuống khoảng 5.000 ca/ngày vào cuối tháng 4, so với khoảng 80.000 ca/ngày hồi cuối tháng 3. Số trường hợp tử vong trung bình trong 7 ngày cuối tháng 4/2022 cũng giảm mạnh xuống 5 ca/ngày, từ mức 50 ca/ ngày trong tuần cuối tháng Ba.

Số lượng việc làm tăng nhanh nhất trong một năm qua, hỗ trợ tăng trưởng sản lượng. Theo IHS Markit, chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành Sản xuất (PMI) của Việt Nam duy trì không đổi ở mức 51,7 điểm trong tháng 4, cho thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng trong tháng thứ bảy liên tiếp. Số lượng việc làm gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong 1 năm qua khi các ca nhiễm COVID-19 giảm mạnh. Năng lực sản xuất tăng giúp các doanh nghiệp tăng sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang gia tăng. Số ca nhiễm COVID-19 tại đầu tháng 5 tiếp giảm xuống dưới mốc 5.000 ca/ngày. Do đó, chúng tôi kỳ vọng thị trường lao động sẽ tiếp tục được cải thiện, qua đó hỗ trợ các hoạt động sản xuất trong thời gian tới.

Tăng trưởng doanh thu bán lẻ tăng tốc. Doanh thu bán lẻ hàng hóa & dịch vụ tiêu dùng tăng 12,1% YoY trong tháng 4, nâng tổng mức bán lẻ trong 4 tháng năm 2022 lên 1.777 tỷ đồng, tăng 6,5% YoY (tăng 4,3% YoY nếu loại trừ yếu tố giá - so với mức tăng 7,2% trong 4 tháng đầu năm 2021). Chúng tôi kỳ vọng số lượng việc làm gia tăng sẽ tiếp tục hỗ trợ tiêu dùng. Ngoài ra, sự kiện SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam có thể hỗ trợ doanh thu bán lẻ trong tháng 5.

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2022. Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê (TCTK), tổng thu và chi NSNN trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt lần lượt 645,3 nghìn tỷ đồng (+13,3% YoY) và 70,2 nghìn tỷ đồng (+2,4% YoY), hoàn thành 45,7% và 26,3% kế hoạch cả năm. Như vậy, thặng dư NHNN đạt 175,1 nghìn tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2022. Chúng tôi kỳ vọng thu ngân sách tích cực sẽ hỗ trợ Chính phủ thực hiện các biện pháp tài khóa nhằm thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế.

Vốn FDI giải ngân cao kỷ lục mặc dù vốn FDI đăng ký giảm. Vốn FDI giải ngân tăng 7,6% YoY đạt 5,9 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2022 – mức kỷ lục trong 4 tháng đầu năm. Trong khi đó, tổng vốn FDI đăng ký trong 4 tháng đầu năm 2022 giảm 11,7% YoY đạt 10,8 tỷ USD do vốn FDI đăng ký mới giảm (3,7 tỷ USD; -56,3% YoY). Tuy nhiên, nếu loại trừ nhà máy điện Long An 1, 2, một đại dự án với vốn đăng ký 3,2 tỷ USD trong quý 1/2021, vốn FDI đăng ký vẫn tăng 19,5% YoY trong 4 tháng 2022.

Thặng dư thương mại gia tăng. Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng 25,2% YoY và 16,1% YoY lần lượt đạt 33,3 tỷ USD và 32,5 tỷ USD, tương ứng xuất siêu 850 triệu USD trong tháng 4/2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt đạt 122,5 tỷ USD (+16,4% YoY) và 120,0 tỷ USD (+15,7% YoY), dẫn đến xuất siêu 2,5 tỷ USD so với 1,1 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2021. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì tích cực trong những tháng tới nhờ năng lực sản xuất cải thiện. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng, trong đó đáng chú ý nhất là tình hình lạm phát gia tăng trên toàn cầu và các vấn đề liên quan đến dịch COVID-19 đang diễn ra của Trung Quốc.

Lạm phát tiếp tục được kiểm soát. CPI tháng 4 tăng 0,18% so với tháng trước (MoM) và 2,64% YoY, do một số nguyên nhân chính như 1) chi phí đầu vào tăng khiến giá vật liệu nhà ở tăng, 2) một số tỉnh/thành phố tăng học phí sau một thời gian dài áp dụng chính sách giảm học phí và 3) nhu cầu ăn uống ngoài gia đình và dịch vụ du lịch tăng. Lạm phát bình quân 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1% YoY, mức tăng CPI thấp thứ hai trong cùng giai đoạn kể từ năm 2017 (chỉ cao hơn mức tăng 0,89% trong 4 tháng đầu năm 2021). Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục được kiểm soát với CPI bình quân năm 2022 ở mức 3,5% (thấp hơn so mức kế hoạch “khoảng 4%” của Chính phủ).

Tỷ giá USD/VND tăng do USD tăng giá trên thị trường quốc tế. Mặc dù chỉ số đồng US Dollar tăng khoảng 5% trong tháng 4 do quan điểm cứng rắn hơn về vấn đế tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tỷ giá USD/VND chỉ tăng 0,6% trong tháng 4. Tính đến cuối tháng 4, tỷ giá USD/VND tại liên ngân hàng được yết ở mức 22.968 (tăng 0,76% so với cuối năm 2021). Diễn biến ổn định của đồng VND được hỗ trợ bởi nguồn cung USD đến từ xuất khẩu, giải ngân FDI và nguồn cung từ NHNN thông qua hợp bán USD kỳ hạn 3 tháng cho các NHTM.