Vĩ mô Việt Nam: Số lượng đơn hàng mới giảm có thể báo hiệu tốc độ phục hồi chậm lại

                                       Nguồn: VCSC

Số lượng đơn hàng mới giảm có thể báo hiệu tốc độ phục hồi chậm lại

 

 
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt mức cao nhất trong 9 tháng qua. Trong tháng 11, IIP tăng 5,8% so với cùng kỳ (YoY) - mức tăng trưởng YoY cao nhất 9 tháng qua, trong đó IIP của lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo tăng 6,3% YoY. Trong 11 tháng đầu năm 2023 (11T 2023), IIP của toàn ngành công nghiệp và IIP của lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo lần lượt tăng 1,0% YoY và 1,1% YoY. Sản xuất có thể bị ảnh hưởng khi số lượng đơn hàng mới và số lượng đơn hàng xuất khẩu mới giảm theo báo cáo của S&P Global. Tuy nhiên, sản xuất trong những tháng tiếp theo có thể được hỗ trợ bởi: (1) Nhu cầu cao hơn trong dịp lễ sắp tới (Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán); (2) Quốc hội thông qua việc gia hạn mức giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) đến ngày 30/6/2024 và có khả năng gia hạn giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu vào năm 2024 có thể giúp hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp.  
Doanh số bán lẻ duy trì mức tăng trưởng ổn định. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 10,1% YoY trong tháng 11, nâng tổng mức tăng trưởng doanh thu bán lẻ trong 11T 2023 lên 9,6% YoY (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,0% YoY), trong đó, lương thực/thực phẩm tăng (+11,4% YoY), sản phẩm giáo dục (+14,7% YoY), dịch vụ lưu trú & ăn uống (+15,3% YoY) và du lịch (+50,5% YoY) tăng mạnh. Chúng tôi kỳ vọng một số yếu tố có thể hỗ trợ doanh số bán lẻ trong tháng 12 và đầu năm 2024 bao gồm (1) các kỳ lễ sắp đến như Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán; (2) khách du lịch tiếp tục phục hồi; và (3) gia hạn giảm 2% thuế GTGT đến ngày 30/06/2024.
 
Đầu tư công tăng tốc trong tháng 11. Trong tháng 11, chi đầu tư & phát triển trong chi Ngân sách Nhà nước (NSNN) tăng 53,1% so với tháng trước (MoM) và 45,9% YoY lên 59,1 nghìn tỷ đồng, đưa tổng chi đầu tư & phát triển lên 461,0 nghìn tỷ đồng (+36,3% YoY) trong 11 tháng 2023, hoàn thành 63,4% kế hoạch năm. Trong khi đó, chi thường xuyên tăng 2,5% YoY đạt 953,0 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công trong cuối năm. Vào năm 2022, Chi đầu tư phát triển đạt 64,3% trong 11T 2022, 82,8% trong 12T 2022 và 121,3% kế hoạch (Quốc hội thông qua đầu năm) theo số liệu ước tính lần 2 do Bộ Tài chính công bố.
 
Vốn FDI đăng ký tiếp tục tăng mạnh trong 11T 2023. Giải ngân FDI tăng 2,9% YoY lên 20,3 tỷ USD trong 11T 2023 (3 tháng: -2,2% YoY; 6 tháng: +0,5% YoY; 9 tháng: +2,2% YoY; 10 tháng: +2,4%). Trong khi đó, trong 11T 2023, vốn FDI đăng ký tăng 14,8% YoY lên 28,8 tỷ USD (3 tháng: -38,9% YoY; 6 tháng: -4,3% YoY; 9 tháng: +7,7% YoY; 10 tháng: +14,7% YoY). Chúng tôi duy trì quan điểm Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ lợi thế về vị trí chiến lược, nhiều hiệp định FTA và chi phí lao động cạnh tranh. Ngoài ra, việc nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Việt Nam và Hoa Kỳ, và gần đây nhất là Việt Nam và Nhật Bản, có thể tiếp tục thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng dương. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu duy trì tăng trưởng dương trong tháng thứ ba liên tiếp, lần lượt đạt 31,1 tỷ USD (+6,7% YoY) và 29,8 tỷ USD (+5,1% YoY), dẫn đến thặng dư thương mại 1,3 tỷ USD trong tháng 11. Trong 11T 2023, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt đạt 322,5 tỷ USD (-5,9% YoY) và 296,7 tỷ USD (-10,7% YoY), dẫn đến thặng dư thương mại 25,8 tỷ USD (so vớithặng dư thương mại đạt 10,3 tỷ USD trong 11T 2022). Số lượng đơn hàng mới giảm, đặc biệt là số lượng đơn hàng xuất khẩu mới trong thời gian gần đây có thể báo hiệu tốc độ phục hồi hoạt động thương mại chậm lại. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những thángtới do: (1) Xuất khẩu sang Trung Quốc (11T 2023: +6,3%) có thể tiếp tục tăng trước Tết Nguyên đán & (2) tăng từ mức nền thấp khi kim ngạch xuất nhập khẩu thấp được ghi nhận vào tháng 12 2022 và nửa đầu năm 2023 (xuất khẩu giảm 15,6% YoY vào tháng 12/2022 & 12% YoY trong nửa đầu năm 2023).
 
Lạm phát tăng nhẹ. CPI tháng 11 tăng 0,25% MoM và 3,45% YoY, dẫn đến CPI bình quân tăng 3,22% YoY trong 11T 2023 (so với 3,2% YoY trong 10T 2023). Chúng tôi cho
rằng một số yếu tố có thể khiến lạm phát trong tháng 12 gia tăng, bao gồm: (1) Nhu cầu tiêu dùng tăng cao trước kỳ nghỉ lễ; (2) giá gạo xuất khẩu có thể tiếp tục tăng do nhu cầu gạo Việt Nam gia tăng, dẫn đến giá gạo trong nước cao hơn; (3) Giá điện bán lẻ tăng trong tháng 11 sẽ khiến CPI tháng 12 tăng 0,15% (tác động của việc tăng giá điện trong tháng 11 lên CPI trễ 1 tháng).
 
Tỷ giá USD/VND giảm. Trong tháng 11, tỷ giá USD/VND giảm 1,2% (Chỉ số DXY giảm 3,2% trong tháng 11), giao dịch trên thị trường liên ngân hàng ở mức 24.261 tính đến ngày 30/11 (tỷ giá USD/VND tăng 2,8% so với đầu năm). Chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên liên ngân hàng âm sâu vẫn có thể gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng dòng vốn nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ FDI, thặng dư thương mại cao, kiều hối và thâm hụt thương mại dịch vụ thu hẹp có thể giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá USD/VND vào cuối năm. Hiện tại, chúng tôi giữ nguyên dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng 3,0% trong năm 2023.