Vĩ mô Việt Nam: Tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm tốc do ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế toàn cầu

Nguồn: VCSC

Tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm tốc do ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế toàn cầu

 

 

Kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 3,3% trong quý 1/2023 - mức tăng trưởng quý 1 thấp thứ hai kể từ năm 2011 (chỉ cao hơn mức tăng 3,2% của quý 1/2020). Do nhu cầu toàn cầu sụt giảm, GDP của khu vực công nghiệp & xây dựng giảm 0,4% YoY – GDP quý 1 giảm lần đầu trong hơn một thập kỷ qua. Trong khi đó, khu vực dịch vụ là là động lực tăng trưởng của nền kinh tế khi tăng 6,8%, đóng góp 95,9% vào tổng mức tăng trưởng GDP của quý 1/2023.

Các điều chỉnh trong dự báo vĩ mô của chúng tôi:

  • Chúng tôi giảm dự báo GDP năm 2023 từ 6,5% xuống 6,0% do ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế toàn cầu mạnh hơn dự kiến đối với hoạt động xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam trong quý 1/2023. Chúng tôi cho rằng hoạt động xuất khẩu, sản xuất sẽ khó khăn trong quý 2, trước khi phục hồi vào nửa cuối năm. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi có thể chậm hơn so với kỳ vọng trước đây của chúng tôi do diễn biến bất ổn gần đây của ngành ngân hàng tại Mỹ và Châu Âu. Trong khi đó, chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP đạt 7,0% trong năm 2024.

Các yếu tố có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm bao gồm:

(1) Chúng tôi duy trì quan điểm về việc Chính phủ sẽ đẩy mạnh chi tiêu tài khóa để hỗ trợ kinh tế trong nước trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chững lại.

(2) Chúng tôi kỳ vọng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tiếp tục phục hồi sẽ hỗ trợ tăng trưởng của khu vực dịch vụ.

(3) Dòng vốn FDI có khả năng duy trì ở mức cao trong cả năm 2023 nhờ các lợi thế cơ bản của Việt Nam.

(4) Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

(5) Các đợt cắt giảm lãi suất gần đây của NHNN có khả năng giúp giảm lãi suất thị trường, qua đó hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế nói chung.

  • Chúng tôi giảm dự báo đối với tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu trong năm 2023, từ lần lượt từ +6,0% và +6,5% xuống -2,5%, dẫn đến xuất siêu 12,2 tỷ USD (so với 11,3 tỷ USD trước đây), do nhu cầu toàn cầu giảm có thể ảnh hưởng mạnh hơn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
  • Chúng tôi kỳ vọng trần lãi suất tiền gửi sẽ ổn định từ nay đến cuối năm. Chúng tôi cho rằng NHNN vẫn đang có quan điểm thận trọng nhằm hạn chế ảnh hưởng của bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu và hỗ trợ tăng trưởng trong nước với việc cắt giảm lãi suất vào tháng Ba. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng tình hình ở cả thị trường quốc tế và trong nước sẽ thuận lợi hơn vào năm 2024, điều này có thể tạo thêm dư địa cho NHNN để giảm trần lãi suất tiền gửi xuống 5,0%.
  • Chúng tôi giữ nguyên kỳ vọng tỷ giá USD/VND ổn định trong năm 2023 (không thay đổi dự báo). Tỷ giá USD/VND giảm 1,4% trong tháng 3 (giảm 0,5% so với đầu năm) mặc dù Fed tăng lãi suất và NHNN giảm lãi suất điều hành. Tỷ giá giảm chủ yếu do đồng USD giảm mạnh tại thị trường quốc tế (chỉ số DXY giảm khoảng 2,5% trong tháng 3) và nguồn cung ổn định từ FDI (1,8 tỷ USD), xuất siêu (700 triệu USD) và FII (khối ngoại mua ròng 129 triệu USD). Fed kỳ vọng lãi suất điều hành có thể sẽ tiếp tục tăng thêm 25 điểm cơ bản lên 5,0%-5,25%. Tuy nhiên, những vấn đề gần đây của ngành ngân hàng tại Mỹ có thể khiến Fed giảm lãi suất sớm hơn kỳ vọng của thị trường. Đồng USD mất giá và khả năng Fed giảm lãi suất sớm hơn kỳ vọng, cùng với nguồn cung ngoại tệ ổn định có thể giúp NHNN điều hành tỷ giá USD/VND linh hoạt hơn.

Tổng quan các kết quả kinh tế khác trong quý 1/2023:

  • Sản xuất cải thiện trong tháng 3 nhưng vẫn còn khá yếu. Chỉ số Sản xuất Công nghiệp (IIP) tháng 3 tăng 9,6% so với tháng trước (MoM) nhưng giảm 1,6% YoY. Trong quý 1/2023, IIP giảm 2,3% YoY, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,4% YoY khi nhu cầu toàn cầu giảm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng ngành sản xuất của Việt Nam (PMI) tháng 3 chỉ ở mức 47,7 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn, có thể dẫn đến các kết quả kinh tế kém khả quan trong ngắn hạn. Tuy nhiện, theo báo cáo PMI, các doanh nghiệp hiện đang có quan điểm tích cực về triển vọng kinh doanh trong 12 tháng tới (mức cao thứ hai trong 5 tháng qua và chỉ thấp hơn mức khảo sát trong tháng 2/2023).
  • Tăng trưởng doanh thu bán lẻ duy trì ở mức cao trong quý 1. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 2,0% MoM và 13,4% YoY. Trong quý 1/2023, tổng doanh thu bán lẻ tăng 13,9% YoY (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,3%; quý 1/2022 tăng 5%, nếu loại từ yếu tố giá tăng 2%). Đáng chú ý, tổng doanh thu bán lẻ dịch vụ lưu trú & ăn uống và doanh thu dịch vụ du lịch tăng lần lượt 28,4% YoY và 120% YoY trong quý 1/2023, nhờ nhu cầu du lịch tăng mạnh. Trong quý 1/2023, Việt Nam đón 2,7 triệu khách du lịch quốc tế - tương ứng 60% mức trước dịch (4.5 triệu khách trong quý 1/2019). Trong khi triển vọng tăng trưởng doanh thu bán lẻ có thể gặp khó khăn trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng doanh thu bán lẻ dịch vụ du lịch sẽ tiếp tục phục hồi mạnh từ mức nền thấp của năm 2022, đặc biệt với sự trở lại của du khách Trung Quốc.
  • Chi ngân sách cho Đầu tư & Phát triển tăng mạnh trong quý 1. Theo Bộ Tài chính (MoF), tổng thu NSNN đạt 491,5 nghìn tỷ đồng (+1,3% YoY), trong khi tổng chi NSNN đạt 363,4 nghìn tỷ đồng (+7,2% YoY), lần lượt hoàn thành 30,3% và 17,5% kế hoạch năm 2023. Như vậy, trong quý 1/2023, NSNN thặng dự 128,1 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, chi Đầu tư & Phát triển đạt 73,1 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2023, tăng gần 19% YoY và hoàn thành khoảng 10% kế hoạch năm. Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh chi tiêu tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chững lại.
  • Vốn FDI đăng ký giảm do thiếu vắng các dự án mở rộng quy mô lớn. Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, vốn FDI giải ngân và đăng ký đạt 1,8 tỷ USD và 2,4 tỷ USD trong tháng 3, mức cao nhất trong 3 tháng qua. Tuy nhiên, trong quý 1/2023, vốn FDI giải ngân giảm 2,2% YoY còn 4,3 tỷ USD, trong khi tổng vốn FDI đăng ký (cấp mới + tăng thêm + mua cổ phần) giảm gần 39% YoY xuống 5,5 tỷ USD do thiếu vắng các dự án quy mô lớn. Vốn FDI đăng ký thấp trong quý 1 có thể chỉ là tình hình tạm thời. Chúng tôi kỳ vọng hoạt động nghiên cứu khả thi cho các dự án mới cải thiện sau các gián đoạn liên do dịch bệnh sẽ giúp hỗ trợ dòng vốn FDI trong năm 2023.
  • Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 do giá giá thực phẩm và học phí. CPI giảm 0,23% so với tháng trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, CPI tháng 3 tăng 3,4%, dẫn đến CPI bình quân quí 1 tăng 4,2% YoY. CPI giảm trong tháng 3 chủ yếu do giá thực phẩm và học phí giảm. Chúng tôi giữ quan điểm áp lực lạm phát trong năm 2023 sẽ đến từ các diễn biến điều hành giá trong nước thay vì yếu tố bên ngoài, cụ thể như giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý giá có thể tăng, bao gồm giá điện, lương, phí y tế và học phí, ... Kết quả CPI quý 1/2023 phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi, do đó, chúng tôi giữ nguyên dự báo CPI trung bình 4,0% trong năm 2023.