Hàng không Vietjet (VJC): Các biện pháp cắt giảm chi phí mang lại thành quả

Nguồn: VCSC

Các biện pháp cắt giảm chi phí mang lại thành quả

 

VJC

  • CTCP Hàng không Vietjet (VJC) báo cáo KQKD quý 3/2021 với doanh thu giảm 6% YoY còn 2,7 nghìn tỷ đồng trong khi LNST sau lợi ích CĐTS đạt 73 tỷ đồng so với khoản lỗ 971 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2020.
  • Trong 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu của VJC đạt 10,2 nghìn tỷ đồng (-26% YoY), hoàn thành 67% dự báo cả năm của chúng tôi. Trong khi đó, LNST sau lợi ích CĐTS đạt 197 tỷ đồng so với khoản lỗ 925 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020. LNST sau lợi ích CĐTS 9 tháng đầu năm 2021 của VJC cao hơn 2,7 lần so với dự báo cả năm của chúng tôi.
  • Lợi nhuận từ HĐKD của VJC (chủ yếu đến từ mảng vận tải của hãng hàng không này) đạt 314 tỷ đồng trong quý 3/2021 so với khoản lỗ 1,7 nghìn tỷ đồng và 1,3 nghìn tỷ đồng lần lượt trong quý 2 và quý 1/2021.
  • Biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể trong quý 3/2021, phục hồi lên mức dương là 21%, tốt hơn kỳ vọng của chúng tôi. Do đó, chúng tôi nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng đối với dự báo hiện của chúng tôi cho năm 2021, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Mảng vận tải hành khách bị ảnh hưởng trong quý 3/2021 nhưng doanh thu phụ trợ duy trì tốt. Trong báo cáo tài chính công ty mẹ của VJC, doanh thu của mảng vận tải hành khách giảm 94% YoY còn 74 tỷ đồng. Doanh thu của mảng vận tải hành khách giảm do những hạn chế nghiêm ngặt đối với vận tải hàng không nội địa tại Việt Nam, đặc biệt là việc dừng tất cả các chuyến bay nội địa từ ngày 30/8 đến ngày 10/10. Tuy nhiên, doanh thu của mảng phụ trợ chỉ giảm 13% YoY còn 971 tỷ đồng, chủ yếu nhờ doanh thu từ vận chuyển hàng hóa tương đối ổn định.

Biên lợi nhuận gộp quay về mức dương nhờ các biện pháp cắt giảm chi phí. VJC cho biết chi phí giảm chủ yếu đến từ chi phí thuê và chi phí vận hành máy bay. Tuy nhiên, thông tin chi tiết thêm về các chi phí này vẫn chưa được cung cấp. Chúng tôi tin rằng chi phí thuê giảm nhờ thương lượng lại các điều khoản thuê máy bay với bên cho thuê.

Nợ tăng nhưng vẫn trong phạm vi kiểm soát. Tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu của VJC là 0,66 lần so với mức 0,52 lần và 0,56 lần vào cuối năm 2020 và quý 2/2021. Tỷ lệ đòn bẩy nợ cao hơn trong quý 3 này chủ yếu do việc phát hành khoảng 3 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong quý 3/2021, lượng trái phiếu này sẽ đáo hạn vào năm 2026.

Âm tiền giảm trong quý 3/2021 với dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO) là -1,5 nghìn tỷ đồng so với mức -3,5 nghìn tỷ đồng trong quý 2/2021. Tuy nhiên, CFO đạt -5,4 nghìn tỷ đồng tính chung trong 9 tháng đầu năm 2021, vẫn lớn hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.