Vietnam Today: VN-Index giảm 0,1% khi các mã vốn hóa lớn các ngành đều giảm

                                          Nguồn: VCSC

 

 

Điểm nhấn thị trường
 
VN-Index giảm 0,1% khi các mã vốn hóa lớn các ngành đều giảm
  • VN-Index giảm nhẹ 0,1% (-1,6 điểm) trong phiên hôm nay do cổ phiếu vốn hóa lớn giảm trên tất cả các ngành, bao gồm phần lớn các cổ phiếu trong rổ VN30. Mặc dù một vài cổ phiếu ngân hàng tăng điểm hỗ trợ thị trường, nhưng không đủ bù đắp cho mức sụt giảm của nhóm cổ phiếu dầu khí và bất động sản. Tổng cộng, có 157 mã tăng, 340 mã giảm và 70 mã đi ngang. Thanh khoản giảm xuống còn 755 triệu USD.
  • Các mã ngân hàng VCB (+1,16%), CTG (+1,52%) và TCB (+1,17%) là ba cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất trong phiên. BID (-0,8%), VPB (-0,5%) và ACB (-1,4%) giảm điểm.
  • Trong nhóm bất động sản, VIC (- 1,01%) cùng các công ty con VHM (- 0,8%) và VRE (-1,5%) giảm điểm, BCM (-1,2%) giảm phiên thứ 6 liên tiếp.
  • Ngành dầu khí ghi nhận đợt giảm đáng chú ý với GAS (-1,2%), PVT (-2,46%), PVS (-2,39%) và PVD (-2,19%).
  • Nhà sản xuất thép HPG (-0,5%), công ty công nghệ FPT (-0,7%), nhà bán lẻ MWG (-1,2%) và nhà sản xuất cao su GVR (-0,5%) là những cổ phiếu giảm điểm đáng chú ý.
Điểm tin
  • BSR: BSR công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 thận trọng, phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi
Báo cáo trong ngày
  • Báo cáo Ngành Bất động sản: Kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua khi Quốc hội dự kiến biểu quyết vào tháng 1
  • SBT: Biên lợi nhuận cải thiện nhờ tăng quy mô trang trại và đẩy mạnh phát triển F&B – Báo cáo Thăm DN
Quan điểm kỹ thuật
 
Dự báo ngày mai, VN30 có thể sẽ tăng từ hỗ trợ MA5 để kiểm định lại kháng cự tại 1.168 điểm. Nếu có thể đóng cửa trên mốc này, đà tăng của nhóm vốn hóa lớn sẽ được củng cố giúp VN30 hướng lên vùng 1.195 điểm. Điều này cũng sẽ tạo hiệu ứng lên đà tăng VN-Index và các chỉ số còn lại. Nhưng nếu VN30 chưa thể vượt mốc 1.168 điểm, thị trường có thể sẽ xuất hiện thêm những phiên giằng co với biên độ hẹp.
 
Các nhà đầu tư có thể theo dõi tín hiệu kỹ thuật của Top 15 cổ phiếu ảnh hưởng mạnh nhất đến VN-Index, Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng mạnh nhất đến HNX-Index và UpCom Index; cũng như của một số các cổ phiếu đầu cơ do Vietcap lựa chọn.
 
Điểm tin
 
BSR: BSR công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 thận trọng, phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi
  • CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) công bố kế hoạch năm 2024 với doanh thu 95,3 nghìn tỷ đồng (không đổi YoY so với kế hoạch ban đầu năm 2023) và LNST là 1,1 nghìn tỷ đồng (-29% YoY so với kế hoạch ban đầu năm 2023). Kế hoạch này dựa trên giả định giá dầu Brent là 70 USD/thùng (so với dự báo của chúng tôi là 83 USD/thùng) và giả định tỷ giá USD/VND là 23.500 đồng. Các con số kế hoạch năm 2024 tương ứng với 78% và 16% dự báo doanh thu và LNST của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng BSR đang thận trọng do sự biến động của hoạt động kinh doanh lọc dầu. Trong lịch sử, LNST thực tế của BSR thường cao hơn kế hoạch ban đầu. LNST thực tế năm 2021 và 2022 lần lượt cao hơn 7,7 lần và 10 lần so với kế hoạch ban đầu.
  • BSR cũng đặt ra mức trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2024 là 300 đồng/cổ phiếu (lợi suất 1,6%), thấp hơn dự báo của chúng tôi là 700 đồng/cổ phiếu (lợi suất 3,7%).
  • Chúng tôi hiện có khuyến nghị KHẢ QUAN cho BSR với giá mục tiêu là 20.400 đồng/cổ phiếu.
 
 
Tóm tắt các báo cáo trong ngày
 
Báo cáo Ngành Bất động sản: Kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua khi Quốc hội dự kiến biểu quyết vào tháng 1
  • Ngày 8 và 9/1/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp để cho ý kiến các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường. Theo đó, Quốc hội chính thức quyết định tổ chức Kỳ họp bất thường từ ngày 15/1 đến ngày 18/1/2024 và dự kiến xem xét, thông qua: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), và một số Nghị quyết. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ưu tiên tập trung cho ý kiến thêm về 3 nội dung, gồm: (1) vấn đề thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và thương mại dịch vụ; (2) phương pháp định giá đất, thẩm quyền, trách nhiệm lựa chọn phương pháp định giá đất và (3) quỹ phát triển đất.
  • Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhưng dời thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) sang kỳ họp tiếp theo (xem thêm Báo cáo Ngành Bất động sản của chúng tôi ngày 27/11/2023). Theo đề xuất của Tổng thư ký Quốc hội ngày 18/12/2023, Quốc hội dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường vào giữa tháng1/2024 để xem xét và biểu quyết về Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và các nghị quyết khác. Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Đất đai (sửa đổi) và yêu cầu các cơ quan tập trung cao hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi).
 
Các đề xuất sửa đổi
  • Những đề xuất sửa đổi trong Luật Đất đai (trình Quốc hội lấy ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 10- 11/2022) thể hiện định hướng của Chính phủ trong việc đưa ra cơ chế giá đất theo giá thị trường, thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu, hạn chế đầu cơ đất đai.
  • Ngoài ra, so với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tháng 10/2023 được tóm tắt Báo cáo Ngành Bất động sản của chúng tôi ngày 27/11/2023, chúng tôi nhận thấy rằng bản dự thảo tháng 12/2023 đã nêu rõ hơn vai trò của Chính phủ trong việc thu hồi đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại thông qua đấu giá và đấu thầu, mà chúng tôi cho rằng điều này có thể hỗ trợ quá trình thu hồi đất để làm dự án cho các chủ đầu tư.
 
Tác động đối với ngành bất động sản nhà ở
  • Chúng tôi cho rằng việc tổ chức Kỳ họp bất thường để xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ và Quốc hội trong việc giải quyết các vướng mắc pháp lý và phát triển thị trường BĐS theo hướng minh bạch và bền vững hơn.
  • Chúng tôi lưu ý rằng từ đầu năm 2023, Thủ tướng đã kêu gọi chính quyền địa phương tháo gỡ những vướng mắc pháp lý của dự án, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh không hợp thực hóa các sai phạm pháp luật. Mặc dù chúng tôi không kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ ‘giải cứu’ các dự án bị ách tắc do sai phạm, nhưng có thể sẽ cần nhiều thời gian để chính quyền địa phương có thể tham khảo và xin hướng dẫn của các cơ quan cấp cao hơn như Thủ tướng và các Bộ liên quan để có giải pháp phù hợp.
  • Chúng tôi tin rằng việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) có thể hỗ trợ tâm lý chung của thị trường và từ từ có tác động tích cực đến phía nguồn cung dự án. Mặc dù Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nhưng chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ ban hành các nghị định sửa đổi để phù hợp với Luật Đất đai (sửa đổi) sắp tới trước thời điểm đó. Nhờ đó, theo quan điểm của chúng tôi, những tác động của Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có ảnh hướng tương đối nhanh chóng.
  • Bên cạnh đó, chúng tôi kỳ vọng khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực, những cổ phiếu lựa chọn hàng đầu của chúng tôi - VHM, KDH và NLG - với tình hình tài chính và có thành tích phát triển dự án tốt, sẽ tiếp tục nắm giữ lợi thế để phát triển và thương mại hóa quỹ đất hiện hữu. Chúng tôi cũng kỳ vọng các chủ đầu tư có vị thế tài chính vững mạnh và có thành tích phát triển dự án tốt như các cổ phiểu lựa chọn hàng đầu ngành bất động sản nhà ở thuộc danh mục theo dõi của chúng tôi – VHM, KDH và NLG – sẽ vẫn duy trì được vị thế thuận lợi để phát triển và thương mại hóa từ quỹ đất hiện hữu khi luật sửa đổi có hiệu lực.
SBT: Biên lợi nhuận cải thiện nhờ tăng quy mô trang trại và đẩy mạnh phát triển F&B – Báo cáo Thăm DN
 
 
  • Chúng tôi ra báo cáo cập nhật về CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) kể từ Báo cáo ngày 11/11/2022.
  • Trong năm tài chính 2022/2023, SBT tiếp tục dẫn đầu thị trường đường Việt Nam về quy mô và sản lượng, với doanh thu thuần vượt 1 tỷ USD (+35% YoY).
  • Tuy nhiên, biên LN gộp và LNST sau lợi ích CĐTS của SBT giảm lần lượt 2 điểm % và 3 % scvk, chủ yếu do (1) chi phí đầu vào tăng từ lượng đường thô nhập khẩu và đường từ vùng nguyên liệu (VNL) đầu tư, và (2) chi phí lãi vay cao hơn trong bối cảnh lãi suất tăng (xem trang 4).
  • SBT đặt kế hoạch doanh thu thuần năm tài chính 2023/2024 đạt 20,6 nghìn tỷ đồng (-17% svck) và LNTT đạt 850 tỷ đồng (+18% svck). Chúng tôi cho rằng những mục tiêu này tương đối thận trọng, vì SBT đã hoàn thành 1/3 kế hoạch trong quý 1 năm tài chính 2023/2024. Bên cạnh đó, SBT đã từng đưa ra mục tiêu tương đối thấp trong vòng vài năm trở lại đây (xem trang 10).
  • Trong dài hạn, chúng tôi kỳ vọng biên LN của SBT sẽ được cải thiện nhờ nỗ lực của công ty trong việc (1) mở rộng quy mô trang trại, từ đó giúp nâng cao năng suất và tối ưu hóa lợi nhuận; và (2) đẩy mạnh phát triển mảng kinh doanh thực phẩm (F&B) với biên LN cao hơn.
  • Năm 2025, SBT dự kiến tăng diện tích VNL lên 90.000 ha (+27% so với năm tài chính 2022/2023). Chúng tôi cho rằng việc tiếp tục tăng quy mô trang trại, đặc biệt là VNL nông trường, sẽ hỗ trợ SBT trong việc cơ giới hóa sản xuất đường mía, từ đó cải thiện biên LN trong dài hạn.
  • SBT đặt mục tiêu tăng tỷ trọng doanh thu từ mảng F&B từ mức 5-10% hiện tại lên 30-40% trong năm 2030. Mảng F&B với biên LN gộp cao hơn (hiện tại khoảng 25-30% và sẽ tăng lên 40-45%, theo SBT), chúng tôi kỳ vọng biên LN gộp của SBT nhìn chung sẽ tiếp tục cải thiện trong dài hạn.
  • SBT hiện đang giao dịch với P/E trượt là 20 lần - cao hơn mức trung bình của các công ty cùng ngành. Chúng tôi cho rằng diễn biến này phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư về vị thế của SBT trong ngành và hiệu quả HĐKD trong tương lai (xem trang 11).
  • Rủi ro chính: (1) Biến động giá nguyên liệu; (2) rủi ro đến từ các khoản đầu tư vào chứng khoán và/hoặc vào các công ty thành viên của Tập đoàn TTC