Nguồn: SSI
KQKD 11 tháng đầu năm 2022 - Doanh thu cá tra theo tháng thấp nhất từ đầu năm đến nay
Trong tháng 11/2022, VHC đạt doanh thu thuần 893 tỷ đồng (giảm 10% so vớ cùng kỳ và giảm 12% so với tháng trước), kéo dài xu hướng doanh thu giảm dần từ tháng 4/2022. Tuy nhiên, đây là tháng đầu tiên trong năm 2022 công ty ghi nhận sự sụt giảm về doanh thu so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu cá tra đạt 480 tỷ đồng (giảm 22% so với cùng kỳ, giảm 20% so với tháng trước), đây là mức doanh thu tháng thấp nhất từ đầu năm đến nay. Doanh thu xuất khẩu sang Mỹ (chiếm 68% tổng doanh thu) và Trung Quốc (chiếm 15% tổng doanh thu) lần lượt giảm 13% và 60% so với cùng kỳ. Dữ liệu từ Agromonitor cho thấy giá bán cá tra trung bình sang Mỹ là 3,35 USD/kg (giảm 10% so với cùng kỳ, giảm 26% so với tháng trước), giảm 36% so với mức đỉnh hình thành trong tháng 8 là 5,20 USD/kg. Điều này thể hiện rõ qua sức tiêu thụ và tâm lý tiêu dùng yếu tại thị trường xuất khẩu trong bối cảnh áp lực lạm phát và hàng tồn kho ở mức cao. Sản lượng xuất khẩu hàng tháng của VHC sang Mỹ cũng giảm dần kể từ quý 3 năm 2022. Xuất khẩu sang Trung Quốc đã đạt đỉnh vào tháng 7 và đang giảm tốc do chính sách nhập khẩu của Trung Quốc thắt chặt hơn kể từ tháng 9/2022. Chúng tôi lưu ý rằng doanh thu xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc vào tháng 11/2022 của VHC đã giảm khoảng 60% so với mức trung bình của quý 3 năm 2022, nghiêm trọng hơn mức giảm trung bình của các công ty cùng ngành là 30%, do VHC chỉ mới lại tập trung cho hoạt động bán hàng vào thị trường này trong thời gian gần đây.
Ở thị trường nguyên liệu, giá cá nguyên liệu điều chỉnh ít hơn so với giá bán bình quân. Chi phí nguyên liệu cá ở mức 29.500 đồng/kg (tương đương 1,25 USD/kg), giảm 7% so với mức đỉnh trong khi chi phí thức ăn thủy sản không điều chỉnh, tăng 15% so với đầu năm. Chúng tôi cho rằng điều này sẽ gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận gộp của VHC trong quý 4/2022.
Mảng gelatin & collagen: Doanh thu tháng 11 tăng trưởng 19% so với cùng kỳ (mặc dù giảm 36% so với tháng trước). Doanh thu diễn biến không ổn định trong năm nay và doanh thu tháng cho thấy sự dao động lớn. Tuy nhiên, từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2022, VHC vẫn ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 39% so với cùng kỳ.
Tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại vào năm 2023: Đây là chất xúc tác cần theo dõi trong ngành này vào năm 2023. Mặc dù sẽ mất nhiều thời gian hơn để đánh giá tác động định lượng của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với hoạt động xuất khẩu cá tra, chúng tôi tin rằng điều này sẽ tác động tích cực đến doanh thu của ngành, do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc là thị trường nhạy cảm về giá và giá bán trung bình đến thị trường này luôn thấp hơn khoảng 40% so với giá bán trung bình đến thị trường Mỹ. Nhìn chung, chúng tôi tin rằng doanh thu xuất khẩu Trung Quốc sẽ bù đắp một phần sự suy giảm doanh thu ở thị trường Hoa Kỳ và EU, nhưng không đủ để giúp các công ty phục hồi trong quý 4 năm 2022. Điều này có thể là do mức lợi nhuận cao vào năm 2022. Chúng tôi vẫn quan ngại về mức độ chắc chắn của các chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc. Hiện tại, chúng tôi dự báo KQKD năm 2023 của các công ty cá tra sẽ giảm đi.
Định giá
Trong năm 2022, chúng tôi dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của VHC lần lượt đạt 13,8 nghìn tỷ đồng (tăng 53% so với cùng kỳ) và 2,2 nghìn tỷ đồng (tăng 101% so với cùng kỳ). Điều này có nghĩa là LNST quý 4 năm 2022 giảm 10% so với cùng kỳ. Trong năm 2023, chúng tôi dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 12,6 nghìn tỷ đồng (giảm 9% so với cùng kỳ) và 1,6 nghìn tỷ đồng (giảm 26% so với cùng kỳ). Tại mức giá 71.000 đồng/cổ phiếu, VHC giao dịch với P/E năm 2022 và 2023 lần lượt là 5,8 lần và 7,9 lần. Chúng tôi đã điều chỉnh giảm P/E mục tiêu cho Sa Giang và mảng Collagen & gelatin từ 11x xuống 10x và sử dụng EPS năm 2023 để đưa ra giá mục tiêu 1 năm mới cho VHC là 69.200 đồng (tiềm năng giảm giá là 3%). Do đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu VHC.