Xăng dầu Việt Nam (PLX): Nhu cầu phục hồi thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận dự báo năm 2022 mạnh mẽ

Nguồn: VCSC

Nhu cầu phục hồi thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận dự báo năm 2022 mạnh mẽ

 

PLX

  • Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA và giữ quan điểm tích cực về sự phục hồi mạnh mẽ của lợi nhuận năm 2022 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) và tăng trưởng tiêu thụ xăng dầu dài hạn của Việt Nam (dự kiến là 5,5%/năm – khoảng gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng toàn cầu - theo BMI Research).
  • Chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm 1,2% nhờ tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá mục tiêu đến cuối năm 2022, điều này bù đắp cho lợi nhuận năm 2021 thấp hơn 5,4% do KQKD quý 3/2021 thấp hơn nhẹ so với dự báo. Trong khi đó, chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận giai đoạn 2022-2025 gần như không đổi.
  • Chúng tôi dự báo EPS 2022 tăng 41,1% YoY khi chúng tôi kỳ vọng 1) mảng xăng dầu phục hồi hoàn toàn về mức 2019 (giả định sản lượng tiêu thụ tăng 6,4% YoY và giả định giá dầu thô ổn định ở mức 70 USD/thùng) và 2) mảng hóa dầu tăng trưởng mạnh do cơ sở hạ tầng gia tăng.
  • PLX có năng lực tài chính vững chắc với 706 triệu USD tiền mặt và tỷ lệ nợ ròng/vốn CSH là 2,7% vào cuối quý 3/2021. Ngoài ra, PLX có thể khai thác tiềm năng tăng trưởng dài hạn từ việc phát triển các dịch vụ tại các trạm xăng cũng như từ hoạt động kinh doanh khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
  • PLX đang giao dịch ở mức P/E dự phóng 2022 là 17,7 lần - thấp hơn mức P/E dự phóng 1 năm là 28,8 lần của công ty cùng ngành có liên quan gần nhất - PTT Oil Retail and Business (dữ liệu của Bloomberg).
  • Yếu tố thúc đẩy tăng trưởng: Lãi bất thường từ việc thoái vốn tại PG Bank.
  • Rủi ro giảm: Giá dầu biến động bất lợi.

Kỳ vọng tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam sẽ phục hồi từ quý 4/2021. Sản lượng tiêu thụ trong nước của PLX đã giảm 22,8% YoY trong quý 3/2021 so với mức tăng trưởng 4,0% YoY trong nửa đầu năm 2021 do làn sóng dịch COVID-19 thứ tư tại Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng sản lượng tiêu thụ quý 4/2021 sẽ tăng lên khoảng 90% mức của cùng kỳ năm 2020. Do đó, chúng tôi dự báo sản lượng tiêu thụ sẽ giảm 6,9% YoY trong năm 2021, sau đó phục hồi 6,4% vào năm 2022.

Chúng tôi kỳ vọng Nghị định 95 sẽ có tác động tích cực nhẹ đến PLX. Ngày 01/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 95 với những sửa đổi đối với Nghị định 83 về quy định kinh doanh xăng dầu. Theo Nghị định 95, chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu sẽ giảm từ 15 ngày còn 10 ngày, giúp giảm tác động độ trễ giữa giá đầu ra và đầu vào. Ngoài ra, số ngày tồn kho tối thiểu sẽ giảm từ 30 ngày còn 20 ngày cung cấp, điều này có thể hạn chế tác động tiêu cực của việc lỗ hàng tồn kho khi giá dầu giảm. Trong khi chờ đợi thông tư chi tiết từ Chính phủ, chúng tôi kỳ vọng không có thay đổi đáng kể nào trong chi phí/lợi nhuận định mức cho các nhà phân phối xăng dầu so với Nghị định 83.

Mảng xăng dầu tiếp tục phục hồi, tăng trưởng hóa dầu mạnh mẽ hỗ trợ triển vọng năm 2022. Chúng tôi kỳ vọng mảng xăng dầu (chiếm khoảng 60% LNST của PLX) sẽ phục hồi hoàn toàn về mức năm 2019 - với giả định sản lượng tiêu thụ trong nước tăng 6,4% YoY, giá dầu đi ngang và tác động tích cực nhẹ từ Nghị định 95. Chúng tôi dự báo mảng hóa dầu (chiếm khoảng 15% LNST của PLX) tăng trưởng khoảng 20% YoY do sẽ được hỗ trợ bởi chi tiêu cơ sở hạ tầng tăng vào năm 2022. Cuối cùng, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận từ mảng nhiên liệu máy bay (chiếm khoảng 10% LNST của PLX) sẽ vẫn thấp vào năm 2021 và chỉ có thể phục hồi đạt khoảng 70% mức của năm 2019 vào năm 2022.