Xây dựng Coteccons (CTD): Áp lực biên lợi nhuận ảnh hưởng đà phục hồi lợi nhuận trong năm 2022

Nguồn: VCSC

Áp lực biên lợi nhuận ảnh hưởng đà phục hồi lợi nhuận trong năm 2022

 

CTD

 

  • Chúng tôi nâng khuyến nghị cho CTCP Xây dựng Coteccons CTD) từ KÉM KHẢ QUAN lên PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dù đã giảm giá mục tiêu thêm 33% do giá cổ phiếu của công ty đã giảm 48% trong 3 tháng qua.
  • Chúng tôi giảm giá mục tiêu thêm 33% do 1) chúng tôi giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2022-2026 thêm 43% do dự báo biên lợi nhuận gộp thấp hơn và chi phí bán hàng & quản lý cao hơn và 2) áp dụng P/E mục tiêu thấp hơn là 8,0 lần so với mức 10,0 lần trước đây.
  • CTD báo cáo KQKD thấp trong quý 1/2022 với LNST sau lợi ích CĐTS đạt 29 tỷ đồng (-46% YoY) do doanh thu ghi nhận thấp hơn và biên lợi nhuận giảm mạnh so với quý 1/2021.
  • Đối với năm 2022, chúng tôi giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS còn 119 tỷ đồng so với trước đây là 329 tỷ đồng. Chúng tôi kỳ vọng CTD sẽ ghi nhận lỗ từ HĐKD (EBIT) vào năm 2022 do 1) tiến độ xây dựng chậm, 2) giá vật liệu xây dựng cao và 3) cạnh tranh. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng LNST sau lợi ích CĐTS ở mức dương do thu nhập tài chính thuần cao.
  • P/E năm 2022 của CTD là 31,6 lần, cao hơn so với trung vị P/E trượt trung bình 2 năm của các công ty cùng ngành trong nước là 20,1 lần.

Lợi nhuận năm 2021 gặp nhiều thách thức; dự kiến phục hồi trong năm 2022. Tại ĐHCĐ của công ty vào ngày 25/04, CTD đã công bố giá trị hợp đồng mới trong quý 1/2022 là 10 nghìn tỷ đồng (gấp 4 lần so với quý 1/2021) so với dự báo năm 2022 của chúng tôi là 20 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty hiện hữu và doanh nghiệp mới trong lĩnh vực xây dựng của Việt Nam, cũng như tiến độ xây dựng bị trì hoãn, chúng tôi dự báo CTD sẽ bị ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ ghi nhận doanh thu và tính khả thi của các hợp đồng đã ký. Do đó, chúng tôi tiếp tục giả định giá trị hợp đồng mới của CTD trong giai đoạn 2022-2026 là 20 nghìn tỷ đồng mỗi năm - thấp hơn mức trung bình 27 nghìn tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2015-2018. Chúng tôi cũng giữ nguyên dự báo doanh thu năm 2022 đạt 16,4 nghìn tỷ đồng (+80% YoY).

Chúng tôi dự phóng mức lỗ HĐKD (EBIT) trong năm 2022 nhưng LNST dương do thu nhập tài chính thuần cao. Biên lợi nhuận gộp của CTD vẫn thấp ở mức 3,5% trong quý 1/2022 trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng (thép và xi măng) tăng cao và sự cạnh tranh gay gắt trong ngành khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát. Ngoài ra, tỷ trọng chi phí hành chính & quản lý (SG&A) trong doanh thu của CTD vẫn ở mức cao mặc dù không có dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi phát sinh trong quý do 1) ghi nhận doanh thu thấp và 2) chi phí nhân công & tiện ích cao mặc dù doanh thu thấp. Do đó, chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo biên lợi nhuận gộp năm 2022 xuống 3,6% so với 4,5% trước đây và tăng chi phí SG&A/doanh thu năm 2022 lên 4,2% so với mức 3,5% trước đó, dẫn đến dự báo lỗ EBIT năm 2022 là 98 tỷ đồng.

Chúng tôi điều chỉnh giảm P/E mục tiêu từ 10 lần xuống 8 lần do lo ngại về biến động lợi nhuận vì tiến độ xây dựng bị trì hoãn và giá nguyên vật liệu cao. Trong 3 tháng qua, kết quả kinh doanh của CTD và các công ty trong nước không đạt như kỳ vọng của chúng tôi cho việc kỳ vọng lợi nhuận của các công ty xây dựng sẽ tăng mạnh khi hoạt động xây dựng trong nước được thực hiện trở lại. Các kết quả này khiến P/E trượt của các công ty cùng ngành trong nước tăng mạnh lên gần 50 lần vào cuối quý 1/2022.