Xây dựng Coteccons (CTD): Trích lập dự phòng ảnh hưởng đến lợi nhuận từ HĐKD; mảng kinh doanh cốt lõi được cải thiện

Nguồn: VCSC

Trích lập dự phòng ảnh hưởng đến lợi nhuận từ HĐKD; mảng kinh doanh cốt lõi được cải thiện

 

CTD

 

  • Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị cho CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) từ PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG còn KÉM KHẢ QUAN dù đã tăng giá mục tiêu thêm 19% do giá cổ phiếu của công ty đã tăng 38% trong 3 tháng qua.
  • Chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm 19% do 1) tăng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2022-2026 thêm 23% do dự phóng biên lợi nhuận từ HĐKD và giá trị hợp đồng đã ký cao hơn và 2) sử dụng EPS cốt lõi năm 2022 (không bao gồm chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu phải thu) trong mô hình giá mục tiêu dựa theo P/E của chúng tôi. Tác động của các yếu tố này bị ảnh hưởng một phần khi chúng tôi nâng giả định WACC do giả định lãi suất phi rủi ro tăng từ 5,5% lên 6,0%.
  • CTD lỗ 167 tỷ đồng lợi nhuận từ HĐKD trong 6 tháng đầu năm 2022 do chi phí dự phòng ròng cao là 239 tỷ đồng. Nếu không bao gồm khoản dự phòng này, lợi nhuận từ HĐKD cốt lõi của CTD đạt 73 tỷ đồng, cao hơn dự báo lợi nhuận từ HĐKD âm trước đây của chúng tôi cho năm 2022, nhờ vào biên lợi nhuận gộp tăng.
  • Đối với năm 2022, chúng tôi giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo còn 19 tỷ đồng (-24% YoY) so với trước đây là 119 tỷ đồng chủ yếu do giả định chi phí dự phòng cao hơn. Tuy nhiên, chúng tôi nâng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS cốt lõi (không bao gồm chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu phải thu) lên 259 tỷ đồng (+58% YoY) chủ yếu do biên lợi nhuận từ HĐKD cốt lõi cải thiện.
  • Chúng tôi tin rằng tâm lý thị trường đã phản ánh khoản chi phí dự phòng dự kiến cho các khoản phải thu tồn động của CTD cũng như kỳ vọng đối với diễn biến lợi nhuận đảo chiều do giá cổ phiếu của CTD đã tăng 38% trong 3 tháng qua. Do đó, chúng tôi cho rằng P/E năm 2023 của CTD là 13,4 lần là tương đối cao so với các công ty cùng ngành trong nước là 8,0 lần (mức trước đợt dịch COVID-19 thứ tư của Việt Nam).

Chúng tôi kỳ vọng HĐKD cốt lõi năm 2022 của CTD sẽ phục hồi; tuy nhiên, khoản trích lập dự phòng tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận. Trong 6 tháng đầu năm 2022, CTD công bố giá trị hợp mới là 16,0 nghìn tỷ đồng (+14% YoY so với 6 tháng đầu năm 2021) so với dự báo cả năm 2022 của chúng tôi là 20 nghìn tỷ đồng. CTD đang nỗ lực phục hồi tăng trưởng doanh thu chưa thực hiện (backlog) bằng việc ký kết hợp đồng trong tháng 8/2022, trở thành tổng thầu của LEGO Manufacturing Vietnam thực hiện phát triển và xây dựng nhà máy LEGO tại KCN Việt Nam – Singapore III (tỉnh Bình Dương). Tuy nhiên, doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 của CTD chỉ tăng nhẹ 1% YoY do các hoạt động xây dựng trong nước phục hồi chậm và các dự án đã ký có tiến độ thi công kém tích cực. Do đó, chúng tôi duy trì dự báo giá trị hợp đồng đã ký trong năm 2022 là 20 nghìn tỷ đồng so với 25 nghìn tỷ đồng trong năm 2021. Chúng tôi cũng giữ nguyên dự báo doanh thu năm 2022 là 16,4 nghìn tỷ đồng (+80% YoY). Trong giai đoạn 2023-2026, chúng tôi nâng dự báo giá trị hợp đồng ký hàng năm lên 22 nghìn tỷ đồng từ mức 20 nghìn tỷ đồng trong dự báo trước đây do chúng tôi có quan điểm tích cực đối với năng lực ký kết backlog trong dài hạn của CTD.

Chúng tôi tiếp tục dự báo lợi nhuận từ HĐKD (EBIT) báo cáo năm 2022 ghi nhận lỗ nhưng EBIT cốt lõi phục hồi tích cực. Biên lợi nhuận gộp của CTD tăng YoY trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 5,4% từ mức 5,0% trong 6 tháng đầu năm 2021 nhờ nỗ lực của CTD trong việc tiết kiệm chi phí và tăng hiệu suất hoạt động trong các dự án xây dựng mới. Do đó, chúng tôi nâng dự báo biên lợi nhuận gộp năm 2022 lên 4,7% từ mức 3,6% trong dự báo trước đây, từ đó chúng tôi điều chỉnh tăng EBIT cốt lõi năm 2022 lên 115 tỷ đồng so với mức âm 98 tỷ đồng trong dự báo trước đây. Tuy nhiên, chúng tôi giả định rằng CTD sẽ trích lập 300 tỷ đồng tổng dự phòng trong cả năm 2022, dẫn đến dự báo EBIT báo cáo năm 2022 ghi nhận âm 185 tỷ đồng.